Nhiều bạn bè đã là các doanh chủ hay đã trải nhiều kinh nghiệm sống, đôi khi nửa đùa nửa thật, cũng nói “làm gì có cái gọi là sứ mệnh trong đời. Kiếm tiền sống tốt cho mình và cho gia đình, không hại mình hại người, thế là đủ rồi”.
“Sống có lý tưởng nghĩa là gì? Có nên chọn cuộc đời dấn thân cho việc sống theo lý tưởng không, hay là chỉ cần sống tốt là đủ?”.
Thật ra, việc đi tìm kiếm lý tưởng hay sứ mệnh, là một mệnh đề lớn trong sự phát triển tư tưởng của loài người. Không phải đến khi các chuyên gia về phát triển bản thân hướng dẫn mới xuất hiện. Bản chất câu hỏi này nằm gọn trong 3 mệnh đề vĩnh hằng: “Tôi là ai? Tôi sinh ra để làm gì? Tôi sẽ đi về đâu”. Thật may mắn nếu trong đời này bạn tìm được đáp án.
Quay trở lại với câu hỏi dành cho các bạn trẻ. Làm thế nào để tìm ra sứ mệnh của cá nhân? Điều này thật ra giống như một trò chơi may rủi: có người ngay từ lúc trưởng thành đã tìm thấy sứ mệnh, có người cả đời không chạm đến hoặc tìm mãi mà không thấy.
Thực ra sứ mệnh, lý tưởng hay đam mê, nó là một thứ ánh sáng mà nếu bạn cứ mong đợi, tìm mọi cách đuổi theo nó, nó sẽ vẫn chạy trước bạn, không có cách nào bắt được. Bởi ánh sáng đó giống như ánh mặt trời, vốn ở rất xa, rất cao và “vô hình” trong mắt ta.
Cũng giống như ánh mặt trời. Chói lọi, ấm áp. Nếu bạn dùng tâm thức để cảm nhận một cách tĩnh lặng, bạn sẽ có thể cảm thấy dường như ánh sáng len lỏi vào từng tế bào. Hãy thử ngồi ở sân nhà, trên thảm cỏ, ngoài bờ biển hay ở quảng trường, bạn sẽ thấy điều tôi nói.
Đuổi theo, mong muốn tóm được sứ mệnh, sứ mệnh càng rời xa. Bình lặng, yên tĩnh cảm nhận, sứ mệnh sẽ lắng đọng ngay trong tâm thức.
Bởi vì sứ mệnh không phải là một thứ gì đó vĩ đại mà bạn phải gồng mình để trở thành. Sứ mệnh là điều khiến bạn thấy cuộc sống trở nên vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày, là điều khiến bạn có động lực rời giường ấm êm mỗi sáng.
Sứ mệnh có thể chỉ giản dị là đem lại nụ cười và niềm vui cho gia đình, bạn đời, cha mẹ, con cái. Sứ mệnh cũng có thể là việc làm ra nhiều tiền hơn để có một cuộc sống tốt hơn cho mình và người thân.
Chẳng sao cả. Miễn là mình thấy đủ.
Nhưng nếu những điều tôi vừa nói khiến bạn thấy “không đủ”, “không thấy vui”, nhất là khi nghĩ đến viễn cảnh có thật nhiều tiền, được sống sung sướng và “muốn gì được nấy”, bạn vẫn không thấy tim mình đập nhanh hơn, nụ cười rạng rỡ hơn, hào hứng làm việc hơn… thì bạn đã thuộc nhóm <10% nhân loại.
Vì sứ mệnh, lý tưởng của bạn lớn hơn so với bản thân đời sống của một cá nhân.
Trong trường hợp này, kinh nghiệm làm việc với hàng chục ngàn học viên, hàng ngàn chủ DN cho thấy, bạn đừng vội vã và trăn trở ngày đêm “tìm kiếm”.
Hãy chọn một công việc, hành động khiến bạn cảm thấy hào hứng mỗi sáng sớm và suy nghĩ không ngủ được mỗi đêm. Nên lưu ý “hành động/ công việc” chứ không phải là một “ý tưởng”.
Nhiều bạn trẻ chỉ miên man chìm đắm trong ý tưởng, vui sướng với ý tưởng mà không hành động. Điều này sẽ khiến bạn ngày càng đi xa khỏi ánh sáng dẫn đường.
Cá nhân tôi, trong gần 8 năm đầu đời sau khi tốt nghiệp đại học (1996), đến tận 2002, sau khi đã xây và vận hành công ty Thanhs 2 năm mới thực sự nhận ra công việc và hành động khiến mình vui thích và không thấy nhàm chán, không “sợ ngày Thứ 2 đầu tuần”.
Một mô hình rất phù hợp để ứng dụng cho bạn trong trường hợp này, là #ikigai. Công việc/hành động có thể khiến bạn đắm chìm niềm vui mỗi ngày một cách lâu dài, thường phải là sự giao thoa của tối thiểu 3 thành phần:
#No1
Sở trường, sở thích. VD như tôi là người thích đọc sách, chia sẻ kiến thức, thích viết, thích cafe, trà, thích suy ngẫm, thích đi bộ hơn chạy, thích leo núi hơn nhảy sóng… Vì thế công việc ban đầu “đàm phán chốt hợp đồng”, “thiết kế” ” và “quản trị mô hình KD” không phải là điều mình cảm thấy “happy” dù nó tạo ra tiền và là công việc phù hợp. Chỉ đến khi chọn làm “tư vấn” thì mới thấy “wow”.
#No2
Đem lại lợi ích, giá trị cho nhiều người. Điều này rất tuyệt vời. Nếu bạn đem lại giá trị cho càng nhiều người, niềm vui trong tim bạn càng lớn. Vì đây là một quy luật tồn tại của con người, loài người vốn có mối dây liên hệ với nhau mỏng nhẹ như tơ nhện, chỉ cần sóng rung động đúng tần số là ta sẽ cảm được.
Nhiều người nhận được giá trị, thì niềm vui trong lòng họ sẽ thông qua sợi tơ nhện mảnh mai kia tác động đến tâm thức của ta. Càng nhiều thì ta càng dễ cảm nhận được.
#No3
Tạo ra tiền để có thể thoả mãn nhu cầu, tái tạo năng lượng, giải quyết các vấn đề của bản thân và gia đình. Đừng coi thường điều này khi lựa chọn hành động. Vì đây là “tử huyệt” quyết định việc bạn sẽ gắn mình bền vững với hành động đã chọn hay không.
Nếu bạn đã tìm ra được công việc / hành động đáp ứng 3 điều trên. Xin chúc mừng bạn. Bạn đã đi đúng đường rồi, đừng ngần ngại đi tiếp.
Nếu bạn mới chỉ thấy 2/3 điều trên. Nhất là thành tố thứ 3 (tạo ra thu nhập đủ giải quyết nhu cầu cá nhân) – nếu không tạo ra, chắc chắn bạn sẽ phải từ bỏ dù say mê.
Lời khuyên của tôi là: Đừng bao giờ dấn thân quá lâu (trên 6tháng or 1 năm) vào công việc hay hành động không tạo ra thu nhập (trừ phi làm từ thiện hoặc nuông chiều sở thích).
Vậy thì điều quan trọng của bạn lúc này là tìm cho mình 1 Mentor (người dẫn dắt, hướng dẫn, có thể là sếp, thầy cô giáo, cha mẹ, chuyên gia cố vấn, người có kinh nghiệm tại công sở…) để cùng tìm ra công việc có thể dung hoà được 3 thành tố trên.
Trong trường hợp chỉ mới chọn được 1/3 thứ. Tôi khuyên bạn nên chọn tiêu chí số 2 “đem lại nhiều giá trị hơn cho nhiều người”, bạn sẽ sớm được tưởng thưởng bằng niềm vui, thành công, sự giúp đỡ và cả tiền bạc trong tương lai gần.
Điều thực sự không nên dấn thân: công việc chỉ thoả mãn thành tố 1 mà không thoả mãn 2 và/hoặc 3. Bạn sẽ “mất tất cả” nếu dấn thân vào con đường này.
Nếu chỉ được chọn 2/3 điều. Nên chọn 1 vs 3 hoặc 2 vs 3.
Chúc các bạn sớm tìm thấy công việc 3in1 và “sống trọn vẹn với niềm hạnh phúc tự thân mỗi ngày”.